An toàn thực phẩm với “Hạn sử dụng” và “Nơi sản xuất”
Thông thường, nhà sản xuất sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết trên nhãn thực phẩm như hạn sử dụng, nơi sản xuất… để người tiêu dùng có thể nắm bắt thời hạn sử dụng của thực phẩm, hay khoảng thời gian thực phẩm có thể được dự trữ trước khi bắt đầu bị hỏng và nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Nhưng liệu người tiêu dùng có hiểu đúng những thông số ghi trên bao bì thực phẩm?
Sự khác nhau giữa “Hạn sử dụng tốt nhất” và “Hạn sử dụng trước ngày”
“Hạn sử dụng trước ngày”: thực phẩm phải được tiêu thụ hoặc loại bỏ trước ngày này
- Sau ngày này, thực phẩm có thể không còn đủ an toàn để sử dụng kể cả khi không có dấu hiệu hư hỏng, do thực phẩm không còn giá trị dinh dưỡng hoặc vi khuẩn có thể sinh sôi trong thực phẩm
- Việc buôn bán thực phẩm đã quá “Hạn sử dụng trước ngày” là vi phạm pháp luật
- Một số thực phẩm thường được ghi “Hạn sử dụng trước ngày” bao gồm sữa hay thịt hun khói cắt lát
“Hạn sử dụng tốt nhất”: thực phẩm vẫn đủ an toàn để sử dụng sau ngày này, miễn là không bị hư hại hay hư hỏng
- “Hạn sử dụng tốt nhất” cho thấy thực phẩm có thể đã mất một số giá trị dinh dưỡng sau ngày này
- Việc buôn bán thực phẩm đã quá “Hạn sử dụng tốt nhất” vẫn hợp pháp nếu thực phẩm đó không bị hỏng
- Thực phẩm đã quá “Hạn sử dụng tốt nhất” vẫn có thể giữ nguyên màu sắc, mùi vị và kết cấu nếu được cất trữ đúng quy cách
- Thực phẩm thường có “Hạn sử dụng tốt nhất” bao gồm đồ hộp, ngũ cốc, bánh quy, nước sốt, sô-cô-la, đường, bột mì và thực phẩm đông lạnh
Yêu cầu về cất giữ thực phẩm
Để đảm bảo thực phẩm vẫn còn tươi nguyên tới hạn sử dụng, cần phải tuân thủ các hướng dẫn về tích trữ thực phẩm, chẳng hạn như “Giữ lạnh” và “Cất giữ ở nơi thoáng mát, ít ánh sáng”. Đối với loại thực phẩm có quy trình bảo quản đặc biệt nào đó mới đủ an toàn để sử dụng tới hạn sử dụng, nhà sản xuất phải ghi rõ những thông tin này trên nhãn thực phẩm.
Người tiêu dùng cần tuân thủ mọi hướng dẫn về chế biến và nấu nướng ghi trên nhãn thực phẩm, bao gồm thời gian đun nấu và rã đông. Hãy thực hiện theo những hướng dẫn nhà sản xuất cung cấp trên nhãn những thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Nguồn gốc xuất xứ” trên nhãn thực phẩm
Nguồn gốc xuất xứ mô tả quốc gia hoặc nhà máy mà thực phẩm được nuôi trồng, sản xuất hay đóng gói.
Trên nhãn mọi thực phẩm đóng gói phải ghi rõ thực phẩm được sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, nguyên liệu trong nước hay cả hai nguyên liệu trên. Theo thông tư liên tịchsố 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, trường hợp sản phẩm được sang bao, đóng gói tại một nước khác với nước sản xuất thì ngoài việc ghi xuất xứ sản phẩm là nước sản xuất ra sản phẩm đó phải ghi tên nước của nơi đóng gói cuối cùng. Một số thực phẩm không đóng gói sẵn như cá, thịt lợn, bò, bê và gà băm, rau củ và hoa quả cũng phải ghi rõ nước xuất xứ.