Ngộ độc thực phẩm
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với một loại protein nào đó có trong thực phẩm. Phản ứng dị ứng xảy ra do cơ thể không thể thu nạp loại protein này và quyết định nó có nguy cơ gây hại đối với cơ thể. Sự phản ứng dị ứng của hệ miễn dịch có thể gây ra những triệu chứng như nổi mề đay, phù nề, khó thở, đau, nôn mửa hay tiêu chảy. Dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến tử vong. Để ngăn ngừa dị ứng thực phẩm, tuyệt đối không được ăn thực phẩm chứa chất gây dị ứng.
Hiện tượng không dung nạp thực phẩm không xảy ra do phản ứng của hệ miễn dịch mà do sự tích tụ các hóa chất tự nhiên hay phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng thu nạp những chất này của cơ thể. Ở những người có cơ địa nhạy cảm với phụ gia thực phẩm, triệu chứng của không dung nạp thực phẩm cũng biểu hiện ra ngoài nhanh hơn. Không dung nạp thực phẩm phổ biến hơn dị ứng. Triệu chứng của không dung nạp thực phẩm bao gồm tiêu chảy, đau đầu và các triệu chứng tương tự hen suyễn. Tuy nhiên, cần chú ý rằng triệu chứng của không dung nạp thực phẩm và dị ứng có thể giống nhau.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là bệnh do thức ăn nhiễm bẩn gây nên. Sinh vật gây bệnh – bao gồm vi khuẩn, vi rút và các loài ký sinh – hoặc độc tố của chúng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên ngộ độc thực phẩm.
Triệu chứng
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thay đổi tùy vào nguồn gây nhiễm bẩn. Hầu hết các dạng ngộ độc thực phẩm đều gây ra các triệu chứng sau:
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Tiêu chảy
- Đau và co thắt bụng
- Sốt
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện khoảng vài giờ sau khi ăn thức ăn nhiễm bẩn hoặc vài ngày/vài tuần sau đó. Bệnh do ngộ độc thực phẩm gây nên thường chỉ kéo dài khoảng vài giờ đến vài ngày.
Nếu gặp phải những triệu chứng sau, hãy đến bác sỹ:
- Thường xuyên nôn ói
- Bãi nôn hoặc phân có máu
- Tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày
- Đau hoặc co thắt bụng
- Sốt cao hơn 38,6oC
- Triệu chứng của mất nước – khát khô, khô miệng, không đi tiểu được, yếu người, hoa mắt, chóng mặt
- Triệu chứng thần kinh như mờ mắt, yếu cơ hoặc ngứa tay.
Nguyên nhân
Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất giao đoạn nào trong quá trình sản xuất: Nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, dự trữ, vận chuyển hay nấu nướng. Nguyên nhân thường là nhiễm chéo – quá trình sinh vật có hại lan từ thực phẩm này qua thực phẩm khác. Sự nhiễm chéo đặc biệt phức tạp với thực phẩm sống hoặc ăn sống như xa lát. Do những thực phẩm này không được nấu chín, sinh vật có hại không bị tiêu diệt trước khi ăn và gây ngộ độc thực phẩm.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Việc bạn có bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm nhiễm bẩn hay không phụ thuộc vào loại sinh vật, mức độ nhiễm, tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Nhóm dễ bị ngộ độc gồm có:
- Người già: Khi bạn về già, hệ miễn dịch của bạn có thể không phản ứng nhanh và hiệu quả với sinh vật gây bệnh như khi bạn còn trẻ.
- Phụ nữ có thai: Trong thời gian mang thai, những thay đổi trong sự trao đổi chất và hệ tuần hoàn có thể tăng nguy cơ ngộ độc và do đó triệu chứng ngộ độc cũng nặng hơn. Trong một vài trường hợp, con bạn cũng có thể bị ngộ độc.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn toàn
- Người mắc bệnh mãn tính: Việc mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, gan hay AIDS hoặc đang trong giai đoạn hóa trị/xạ trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch.
Lối sống và điều trị tại nhà
Ngộ độc thực phẩm thường tự khỏi sau 48 giờ. Để cảm thấy dễ chịu hơn và ngăn ngừa mất nước, hãy thử áp dụng những phương pháp sau:
- Để dạ dày ổn định. Dừng ăn uống trong vài giờ
- Mút đá hoặc uống nước theo ngụm nhỏ. Khi bạn có thể đi tiểu bình thường và nước tiểu không đục có nghĩa là cơ thể bạn đã được bù đủ nước .
- Ăn lại từ từ. Bắt đầu với những thực phẩm nhạt, ít béo và dễ tiêu hóa như chuối và cơm. Dừng ăn nếu lại thấy buồn nôn.
- Tránh một số loại thực phẩm và hóa chất đến khi bạn đã thấy khỏe hơn, trong đó có sản phẩm từ sữa, caffeine, rượu, nicotin, và thực phẩm giàu chất béo hoặc nêm nhiều gia vị.
- Nghỉ ngơi. Ngộ độc và mất nước có thể khiến bạn thấy mệt mỏi.
Ngăn ngừa
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm tại nhà, hãy:
- Thường xuyên rửa tay, bát đũa và bề mặt tiếp xúc với thực phẩm. Rửa tay với nước xà phòng ấm trước và sau khi nấu ăn. Dùng nước xà phòng nóng để rửa bát đũa, thớt và các thiết bị nấu ăn khác mà bạn sử dụng.
- Để riêng thực phẩm sống và ăn sống. Khi đi chợ, nấu ăn hay cất trữ thực phẩm, hãy để riêng thịt, cá, tôm, cua,…sống. Điều này sẽ ngăn ngừa nhiễm chéo
- Nấu nướng ở nhiệt độ an toàn. Cách tốt nhất để biết một món ăn có được nấu ở mức nhiệt an toàn hay không là sử dụng nhiệt kế thực phẩm. Bạn có thể tiêu diệt sinh vật có hại trong phần lớn thực phẩm nếu nấu nướng đúng nhiệt độ. Chẳng hạn: Nấu bò băm ở 71,1oC, bít tết cừu, lợn, bê ở ít nhất 62,8oC, nấu gà và gà tây ở 73,9oC. Hãy chắc chắn cá, tôm, cua,… được nấu kỹ.
- Giữ lạnh/đông thực phẩm dễ hỏng đúng cách – trong vòng hai giờ sau khi mua hoặc nấu. Nếu nhiệt độ nhà bếp lên đến trên 32,2oC, hãy bỏ vào tủ lạnh trong vòng một giờ.
- Rã đông an toàn. Không rã đông ở nhiệt độ phòng. Cách rã đông an toàn nhất là để thực phẩm tan giá trong tủ lạnh. Nếu bạn sử dụng lò vi sóng để rã đông, hãy nấu ngay sau khi bỏ ra khỏi lò
- Bỏ ngay khi nghi ngờ. Nếu bạn không chắn chắn thực phẩm đã được nấu, phục vụ hoặc tích trữ đúng cách hay chưa, hãy bỏ thực phẩm đó đi ngay. Thực phẩm để quá lâu trong nhiệt độ phòng có thể chứa vi khuẩn hoặc độc tố không thể bị tiêu diệt khi nấu lên. Đừng thử nếm những món ăn mà bạn không thấy an tâm. Kể cả khi những thực phẩm này có hình thức hoặc mùi hương hấp dẫn, chúng có thể không đủ an toàn để ăn.
Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và thai nhi, người già và người có hệ miễn dịch yếu. Do đó, những đối tượng này cần tránh những thực phẩm sau:
- Thịt sống hoặc tái
- Cá và động vật có vỏ (hàu, trai, sò) sống hoặc chưa chín
- Trứng hoặc thực phẩm có trứng (bột làm bánh quy và kem làm tại nhà) sống hoặc chưa chín
- Mầm sống như giá đỗ và rau mầm
- Nước trái cây và rượu táo chưa tiệt trùng
- Sữa và sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng
- Pho mát mềm, pho mát xanh và pho mát chưa tiệt trùng
- Pa tê và thịt hộp đông lạnh
- Xúc xích sống.